,

Tảo hôn & hôn nhân cận huyết

Giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống

- Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh ta có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Không chỉ tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ người có uy tín đã góp phần tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Hiệu quả của đề án

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có 20.015 cặp kết hôn, trong đó có 797 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,96% tổng số cặp kết hôn cùng thời điểm. Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến 17 tuổi đối với nữ; từ 16 đến 19 tuổi đối với nam. Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp tảo hôn khi cả hai bên nam, nữ đang là học sinh THCS. Sau khi kết hôn, thông thường là các em bỏ học, cuộc sống hôn nhân khó khăn vất vả, thiếu kiến thức về cuộc sống cũng như việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Qua khảo sát từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Trong đó 1 trường hợp thuộc xã Sinh Long (Na Hang), 2 trường hợp thuộc xã Bình An và xã Hồng Quang (Lâm Bình). Năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn 2 xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) để thực hiện mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Năm 2019, triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Xuân Lập (Lâm Bình). Trong đó, xác định vai trò quan trọng của người uy tín để ngăn chặn tình trạng trên.

Anh Lầu Văn Nam, dân tộc Mông, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) nảy sinh tình yêu với chị Đào Thị Thu, dân tộc Mông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) khi Nam 19 tuổi, Thu 16 tuổi. Nếu như tập tục của người Mông, cả hai bên đã “ưng cái bụng” là thành vợ chồng. Song do nhiều năm qua, bố mẹ anh Nam và anh Nam được cán bộ xã và ông Lầu Văn Thào, Bí thư Chi bộ Nà Tang, xã Hùng Lợi tuyên truyền, vận động nên đã hiểu rằng, kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật. Do đó, cả hai bên gìn giữ tình yêu, chờ đủ tuổi mới kết hôn vào năm 2020.

Người dân thôn Khun Xúm, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) tìm hiểu các quy định của pháp luật
về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

18 năm qua, ông Thào là Bí thư Chi bộ, nhiều năm liên tục được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín. Sinh ra và lớn lên ở Hùng Lợi, ông Thào chứng kiến không ít nỗi đau vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình. Cho nên, khi làm cán bộ thôn, ông luôn coi tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ. “Mình phải hiểu rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì, hệ lụy của nó ra sao thì mới vận động được. Hơn nữa, cần nhấn mạnh dứt khoát, kiên quyết để đồng bào hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật”. Ông Thào quán triệt đến 100% đảng viên; cán bộ thôn vận động con, em, người thân trong gia đình không vi phạm. Nếu như trước đây, mỗi năm cứ 10 cặp vợ chồng lấy nhau thì có 8 cặp là tảo hôn, nay tình trạng này chỉ còn khoảng 4 - 5 cặp, giảm từ 40 - 50%.

Nỗ lực của ông Thào cũng như đội ngũ người có uy tín của xã Hùng Lợi, Trung Minh (Yên Sơn); Xuân Lập (Lâm Bình) góp phần thực hiện hiệu quả đề án.  Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) có 214 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp kết hôn đủ tuổi là 159 cặp, số cặp tảo hôn 55 cặp. Số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm không tăng. Tại xã Xuân Lập (Lâm Bình) có tổng số 109 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp kết hôn đủ tuổi 89 cặp, số cặp tảo hôn 20 cặp, chiếm tỷ lệ 18,3% so với tổng số cặp vợ chồng kết hôn.

Vào cuộc trách nhiệm

Bên cạnh những xã thực hiện đề án, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh luôn có nhận thức đầy đủ về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tăng cường các giải pháp ngăn chặn. Trước đây, tại Bản Pước, xã Thổ Bình (Lâm Bình) tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến trong đồng bào Tày, Dao. Thôn hiện có 128 hộ (112 hộ dân tộc Tày, 14 hộ dân tộc Dao), từ hơn chục năm qua không xảy ra tình trạng trên.

Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của ông Phùng Vinh Chu, Bí thư Chi bộ, người uy tín của thôn. Ông kể: “Khi nghe ngóng được một vụ tảo hôn sắp diễn ra trong thôn, tôi lập tức đến tận nhà hỏi thăm và vận động người dân. Có một vài hộ dân chưa hiểu, từ chối lắng nghe nhưng tôi cứ kiên trì mãi thì họ cũng hiểu và thực hiện”. Ngoài ra, tranh thủ những lúc quây quần bên bếp lửa, những ví dụ đơn giản, gần gũi về tảo hôn, cận huyết thống và tác hại của nó cũng được ông Chu nêu ra để người dân hình dung được rõ về tình trạng này. Bằng uy tín, cách nói thuyết phục, ông Chu vận động thành công nhiều hộ bỏ ý định cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi và tiến tới xóa bỏ được tình trạng trên.

Bà Nông Thị Mến, người dân thôn Bản Khoan, xã Thượng Nông (Na Hang) cho biết, lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà thực tế cho thấy cuộc sống của những đôi vợ chồng “trẻ con” cũng không mấy hạnh phúc. Những đứa trẻ khi sinh ra còi cọc, chậm phát triển. Thêm vào đó, phải gánh vác trọng trách nặng nề trong gia đình khi ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến chất lượng cuộc sống không cao… Do đó, bà sẽ khuyên bảo con cháu kết hôn đúng độ tuổi để đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hủ tục của một số dân tộc thiểu số tại địa phương. Do đó, xóa bỏ hủ tục này là hành trình lâu dài, cần sự tham gia của các cấp, các ngành, các thành phần. Trong đó, có vai trò của người có uy tín - là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín; chăm lo thực hiện chính sách, kịp thời biểu dương để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong hành trình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.     

 

 

(theo Bích Hằng, Báo Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục