,

Tin hoạt động

BAN DÂN TỘC THAM MƯU THỰC HIỆN HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ (giai đoạn 2014-2020)

Thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Dân tộc đã tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.867,9 km2, có 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56,76%. Toàn tỉnh có 07 đơn vị hành chính gồm 06 huyện và 01 thành phố với 138 xã, phường, thị trấn, 1.739 thôn, bản, tổ nhân dân; trong đó có 60 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 59 thôn ĐBKK của các xã khu vực II thuộc diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

  Thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 11/8/2014 thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014- 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Kết quả thực hiện Đề án: Trên địa bàn tỉnh có 20 chương trình, dự án sử dụng ODA được triển khai thực hiện; 65 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA từ các nhà tài trợ: Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Phần Lan, Bỉ, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ hoặc ngân sách Trung ương cấp pháp một phần vốn ODA, địa phương vay lại một phần: với tổng mức đầu tư 3.557.969 triệu đồng, trong đó: vốn ODA: 2.896.425 triệu đồng; vốn đối ứng: 661.544 triệu đồng. Các chương trình, dự án thuộc danh mục đầu tư công, đầu tư xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực: Giao thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục; Nước sạch, vệ sinh môi trường; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng…

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) làm việc với Ban Dân tộc và các sở, ngành ngày 18.9.2020 

Về Chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài: có 52 chương trình, dự án triển khai thực hiện của 22 nhà tài trợ với tổng kinh phí đạt 355.663 triệu đồng, trong đó: vốn tài trợ: 346,771 triệu đồng, vốn đối ứng 8.892 triệu đồng. Các dự án chủ yếu được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện, tập trung vào các lĩnh vực: Hỗ trợ phát triển nông thôn (17 dự án): 260.641 triệu đồng; Giáo dục và Đào tạo (28 dự án): 75.226 triệu đồng; Tài nguyên – Môi trường (03 dự án): 12.586 triệu đồng; Y tế (04 dự án): 7.210 triệu đồng.

Ngoài ra còn có 13 khoản viện trợ phi dự án với tổng kinh phí đạt trên 7.271 triệu đồng, trong đó vốn tài trợ: 7.186 triệu đồng, vốn đối ứng: 85 triệu đồng. Cụ thể: Hỗ trợ quần áo, hỗ trợ tình nguyện viên, trợ giảng tiếng Anh, phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ khuyết tật, viện trợ hệ thống lọc nước sạch… Các chương trình, dự án không do Ủy ban nhân dân tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Dự án thúc đẩy việc thực hiện đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Tuyên Quang một cách bền vững; Hỗ trợ xây dựng trường học tại một số điểm trường của huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên…

Nhìn chung các chương trình, dự án phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, chủ yếu tập trung triển khai tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các dự án ODA, các chương trình do các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai đã đem lại những kết quả tích cực, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, nông nghiệp, cấp nước, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường… phục vụ lợi ích trực tiếp của nhân dân vùng dự án, góp phần tích cực vào việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng như trường học, công trình nước sạch... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng dự án tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn và nâng cao chất lượng, điều kiện, tinh thần cho nhân dân vùng dự án. Giải quyết những khó khăn cho người nghèo như phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật... mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những số phận không may mắn trong cuộc sống.

  Được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam quan tâm giúp đỡ trong việc điều phối nguồn viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài, hỗ trợ địa phương trong quá trình kết nối, gặp gỡ các tổ chức PCPNN để vận động viện trợ vào tỉnh. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tỉnh Tuyên Quang đã nhận được những khoản hỗ trợ, viện trợ trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo của địa phương./.

 

Ngọc Toàn, Chuyên viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp

Tin cùng chuyên mục