,

Tin hoạt động

Phát huy vai trò người uy tín

Gương mẫu trong cuộc sống, tích cực vận động người dân chấp hành tốt, thay đổi nếp nghĩ cách làm theo hướng tích cực, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Vừa qua, Chi bộ thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang) là một trong 82 điển hình được Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2020 - 2022. 3 năm qua, Chi bộ đã lãnh đạo, vận động các hộ gia đình xây dựng 3 công trình vệ sinh bằng hình thức đóng góp luân phiên nhóm hộ gia đình. Đến nay, đã làm được 30 công trình với tổng trị giá 450 triệu đồng. Để có thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông Phùng Văn Minh, dân tộc Mông, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng; Phó nhóm Tin lành Việt Nam miền Bắc xã Khau Tinh. Luôn trăn trở với đồng bào Mông còn tỷ lệ nhà vệ sinh không hợp vệ sinh còn cao, năm 2020, ông Minh đã tiên phong, chủ trì xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giúp nhau làm nhà tiêu hợp vệ sinh trong các hộ dân tộc Mông và 12 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh từ mô hình “Dân vận khéo” trên. Từ mô hình hiệu quả, ông Minh cùng chi bộ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, vận động, triển khai trong toàn thôn.

Người có uy tín Phùng Văn Minh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang) (thứ 4 từ trái sang) tuyên truyền cho đồng bào Mông về chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

10 năm qua, với vai trò là người có uy tín, ông Minh còn “dân vận khéo” để đồng bào Mông tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Khau Phiêng có 102 hộ, trong đó có 26 hộ dân tộc Tày, 76 hộ dân tộc Mông. Người Mông theo đạo Tin lành chiếm 80% tổng số hộ dân tộc Mông. Đau đáu trước cái nghèo của đồng bào Mông, ông Minh luôn hăng say, tìm tòi trong phát triển kinh tế để làm gương cho đồng bào Mông học và làm theo. Ông đã phát triển mô hình trồng cây ăn quả là mận, bưởi kết hợp với chăn nuôi lợn đen, trâu sinh sản. Mỗi năm, sau trừ chi phí, mô hình kinh tế của ông cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Học và làm theo ông Minh, đã có trên 10 hộ đồng bào Mông nhân rộng được 2 ha cây ăn quả; duy trì tổng đàn trâu khoảng 300 con/năm; nuôi ít nhất từ 5 con lợn đen/hộ. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 25/76 hộ Mông thoát nghèo.

Chị Hoàng Thị Căn, 34 tuổi, dân tộc Dao, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thẳm Hon, xã Hồng Quang (Lâm Bình) được công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2019. Mặc dù là người uy tín mới và trẻ song “trọng lượng” tiếng nói của chị Căn như người cao niên trong thôn.

Thôn có 82 hộ, trên 390 nhân khẩu; 100% là đồng bào Dao. Để “dân vận khéo” thành công, chị Căn cùng với tổ hòa giải thường xuyên gần gũi, sâu sát cơ sở, tìm hiểu nắm bắt kịp thời tình hình trong thôn và khéo léo giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý. Các gia đình hay cá nhân trong thôn nảy sinh khúc mắc gì, từ mâu thuẫn vợ chồng đến tranh chấp đất đai… đều được chị Căn và tổ hòa giải kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Nhờ sự uy tín của mình, chị Căn vận động đồng bào Dao chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng bào Dao đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mỗi đám cưới của thôn, 100% phụ nữ mặc trang phục dân tộc truyền thống. Thôn không có đơn thư khiếu nại nhờ làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở.

Chị Hoàng Thị Căn, ông Phùng Văn Minh chỉ là 2 trong 1.119 người uy tín của tỉnh đã nỗ lực, phát huy vai trò có người uy tín để làm tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số và làm tốt công tác “Dân vận khéo”. Người có uy tín đã cùng với hệ thống chính trị các cấp tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp của mỗi dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đội ngũ người có uy tín còn tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế tiêu biểu; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hộ gia đình; vận động nhân dân xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng góp phần xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục bồi dưỡng, phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường, quy trình lựa chọn, thành phần dân tộc, mức độ ảnh hưởng… để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác dân vận cho đội ngũ người uy tín; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng. 

 

(theo Minh Huệ, Báo Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục