,

Tin hoạt động

Trồng rau an toàn - hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao

Sau cây su su, xã Hồng Thái tiếp tục đưa bí xanh và cà chua vào trồng thử nghiệm, bước đầu những cây trồng này phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hướng thoát nghèo mới cho bà con.

Mô hình trồng su su lấy ngọn mang lại hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng ngô ở xã Hồng Thái.

Hồng Thái là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang (Tuyên Quang). Với độ cao từ 800 - 1200m so với nước biển, khí hậu Hồng Thái được ví với Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ từ 23 - 25oC). Lợi thế về tự nhiên là vậy nhưng do đường giao thông không thuận lợi, trình độ dân trí thấp nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, khi mô hình trồng rau xanh an toàn được triển khai thành công, vùng cao Hồng Thái đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. 

Năm 2014, 20 hộ dân ở các thôn Hồng Ba, Pắc Khoang, Khau Tràng, Nà Mu, xã Hồng Thái được vận động tham gia trồng cây su su thử nghiệm với tổng diện tích trên 3ha. Đây là mô hình thí điểm của Dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn huyện Na Hang. Khi triển khai, ít ai nghĩ rằng trên mảnh đất này cây su su lại phát triển tốt như vậy. Chỉ sau hơn 3 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, những ngọn su su vươn dài, xanh mơn mởn đã bắt đầu mang lại thu nhập cho bà con. 

Anh Triệu Văn Tá, thôn Pắc Khoang, xã Hồng Thái cho biết: Năm 2014, dự án trồng cây su su lấy ngọn được triển khai, lúc đó bà con rất lo lắng bởi từ lâu người dân nơi đây chỉ quen với nương ngô, ruộng lúa. Được dự án hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc cây su su gia đình anh đã mạnh dạn trồng gần 1ha su su. Trồng cây su su đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh. Nếu trước đây trồng ngô, năm được mùa gia đình anh thu về gần 2 triệu đồng, với cây su su mỗi năm gia đình anh thu được 5-6 triệu đồng. 

Sau cây su su, Hồng Thái tiếp tục đưa cây bí xanh và cây cà chua vào trồng thử nghiệm, bước đầu những cây trồng này phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hướng thoát nghèo mới cho bà con. 

Chị Triệu Thị Thắm, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, trước đây bà con chỉ quen trồng ngô, lúa nên khi triển khai trồng bí xanh đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông xã, huyện nên hiện cây bí ở Hồng Thái phát triển tốt, ra nhiều quả. Chị Thắm cũng đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. 

Mô hình trồng bí xanh ở Hồng Thái.

Ông Đàng Đức Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hợp, Hồng Thái cho biết: Đây là năm đầu tiên đơn vị phối hợp với Dự án nông nghiệp nông dân, nông thôn huyện Na Hang triển khai trồng 3ha bí xanh. Hợp tác xã đứng ra cung ứng giống, kỹ thuật, hệ thống tưới tiêu và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Sản phẩm bí xanh đều được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu... Sau quá trình chăm sóc, bước đầu thấy rằng cây bí xanh phát triển tốt, cho nhiều quả. Hiện mỗi quả bí nặng 5kg, giá thị trường khoảng 6.000-7.000 đồng/kg so với lúa thì hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần. Đơn vị cũng đã liên hệ với một số đầu mối ở Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Năm sau đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, quả xanh an toàn. 


Việc phát triển cây su su, bí xanh đã góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế diện tích sẵn có của địa phương, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. 

Ông Bàn Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau xanh an toàn. Hồng Thái là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện, chủ yếu là đồng bào Dao và H'Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện tốp đầu của tỉnh Tuyên Quang. Do đó, mô hình trồng rau xanh an toàn không những giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế mà hơn hết đã thay đổi tư duy, cách làm của người dân.

Theo: Nguyễn Văn Tý (tintuc.vn)

Tin cùng chuyên mục