,

Tin tức chung

Triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Sáng 21-12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các huyện, thành phố với trên 1.000 đại biểu tham dự.

Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, hoàn thành việc thực hiện xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo. Theo đó, hộ gia đình được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở phải là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã và đang ở nhà tạm, dột nát tại thời điểm thực hiện hỗ trợ; tự nguyện tham gia sửa chữa và làm mới nhà ở theo Đề án.

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là trên 167 tỷ đồng. Với hộ nghèo làm mới nhà ở được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, với hộ nghèo sửa chữa nhà ở được hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/hộ. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực và hỗ trợ để từ đó giúp hộ nghèo nhận thức được bản thân cần nỗ lực, tự xây dựng nhà ở cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương. Từ đó,  khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo.  

Việc xây dựng Đề án xoá nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giải quyết cơ bản tình trạng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 2,5% giai đoạn 2020 - 2025; thực hiện tốt Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về các kinh nghiệm trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, các giải pháp thực hiện, việc lồng ghép các nguồn lực cho chương trình, tránh chồng chéo, đúng đối tượng đảm bảo hiệu quả của đề án.

Đại diện các cơ quan, đơn vị trao biển hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng, chung sức góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo và hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 là việc làm hết sức sinh động, ý nghĩa và thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm rõ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo và chính sách về nhà ở đối với hộ nghèo. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân xác định việc triển khai thực hiện Đề án là một phong trào thi đua có ý nghĩa, thiết thực nhất của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Qua đó chung tay giúp đỡ nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nhà ở ổn định, an toàn, yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân.

Đồng chí lưu ý các cấp, các ngành huy động, cân đối nguồn lực từ các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, đảm bảo lộ trình, tiến độ đề ra. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đi sâu, đi sát, đồng hành cùng với nhân dân, hướng về cơ sở; phát động sâu rộng Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và vận động ủng hộ "Quỹ vì người nghèo" để huy động hiệu quả nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của quê hương cách mạng, hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án. Các đơn vị, doanh nghiệp đã trao hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh số tiền hơn 26 tỷ đồng.

 

Tin, ảnh: Ngọc Hưng-Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục