,

Tin tức chung

Vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đã quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách cho người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Người có uy tín đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,phát huy mạnh mẽ vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc gặp mặt đoàn đại biểu người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang

Có thể nói, người có uy tín có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số ở địa bàn dân cư. Họ là những người có khả năng vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước.

Có được hiệu quả trong công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không thể không kể đến vai trò của  người có uy tín. Toàn tỉnh hiện có 1229 người uy tín. Giai đoạn 2012-2016 tỉnh đã tổ chức bình xét được 5.969 lượt người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đều tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách cho người uy tín trong vùng dân tộc thiểu số như: Thăm hỏi người uy tín ốm đau, gia đình gặp thiên tai hoạn nạn; đưa người uy tín đi trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; tặng quà nhân dịp tết Nguyên Đán cho người uy tín, cấp báo Dân tộc Phát triển, Báo Tuyên Quang cho người uy tín. Đây là một trong những chính sách quan trọng mà người uy tín được đón nhận, giúp người uy tín tiếp cận thông tin, đồng thời hướng dẫn đồng bào áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống gia đình, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chú trọng công tác tuyên truyền cho đồng bào các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Tổ chức thực hiện 6 hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật cho 400 người uy tín. Các cấp chính quyền kịp thời động viên khen thưởng người có uy tín có thành tích suất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong những năm qua, những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia và vận động nhân dân các hoạt động của cộng đồng và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Với mỗi bản làng của các dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng hết sức quan trọng. Vai trò của họ được thể hiện ở mọi mặt của đời sống như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành pháp luật; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; trong đối nhân xử thế đối với mỗi thành viên và cả cộng đồng. Tích cực vận độngvà giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân và gia đình có nhiều đóng góp tích cực như ngày công lao động, hiến đất, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, có nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo. Trong đó phải kể đến một số gương người uy tín điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số:

Ông Lương Thái Hồng, dân tộc Tày, thôn Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn là một người có uy tín trong thôn, được người dân quý trọng. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đoàn kết, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách… Ông cùng với Ban công tác Mặt trận của thôn hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn, vướng mắc liên quan đến đất đai của người dân trong thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hồng đã vận động các hộ dân trong thôn đóng góp tiền và ngày công để hoàn thành trên 1.000m đường bê tông nông thôn, giúp người dân đi lại được thuận tiện hơn.

Ông Lương Thái Hồng thực hiện công bả vệ moi trường thôn bản

Ông Thào A Chinh, thôn Nà Pin, xã Đà Vị huyện Na Hang là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã nhiểu năm. Ông đã tuyên truyền vận động người dân trong thôn thực hiện tham gia tích cực chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Với việc làm thiết thực, điển hình như: Phong trào: "gánh cơm nuôi trẻ", đã vận động phu huynh học sinh thay phiên mang cơm cho trẻ.  Vận động nhân dân trong thôn bản tham gia san ủi mặt bằng, sân chơi, rào xung quanh trường, lắp đường nước, trồng cây tạo bóng mát trong khuôn viên trường cho trẻ. Tổng số nhân dân đóng góp 250 ngày công, trị giá 25 triệu đồng. Với việc làm đó 3/3 điểm trường mầm non với 26 cháu đã tham gia đi học đầy đủ . Đến nay thôn Nà Pin xã Đà Vị huyện Na Hang vẫn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Người uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã đóng góp phần không nhỏ cho sự ổn định và phát triển tại địa phương. Họ còn là những người luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Đây là những việc làm rất thực tế có hiệu quả của người có uy tín của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

    Những năm qua, Công an tỉnh tranh thủ người uy tín tỉnh Tuyên Quang đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, bản; tham gia phòng, chống truyền đạo trái pháp luật; cung cấp nhiều tin báo có giá trị, giúp các cơ quan chức năng trong tỉnh kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan, góp phần đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Để phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm động viên phát huy khả năng, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể hàng năm tổ chức gặp mặt, giao lưu  từ 2-3 cuộc để người có uy tín có dịp trao đổi, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ở từng thôn, bản. Trên cơ sở đó giúp cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể hiểu và nắm sâu hơn về tình hình ở cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp. Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho người có uy tín để nâng cao trình độ, nhận thức đối với người có uy tín. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc và miền núi. 

Bài: Hoàng Văn Hảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc

Tin cùng chuyên mục