,

Tin tức chung

190 năm hình thành và phát triển

Kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng tỉnh Tuyên Quang bình yên, giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tuyên Quang qua các triều đại lịch sử

Là vùng lãnh thổ lâu đời của Tổ quốc, người nguyên thủy đã cư trú, sinh tồn ở Tuyên Quang cách đây hàng vạn năm và phát triển liên tục qua các thời đại đến ngày nay.

Danh xưng Tuyên Quang xuất hiện lần đầu tiên vào thời Trần. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Cuối đời Thiệu Bảo (niên hiệu của Trần Nhân Tông) Trần Nhật Duật trấn thủ Tuyên Quang...”. Bài minh khắc trên chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc có đoạn: “Cuối mùa đông năm Giáp Thân (1285), giặc Bắc đến xâm lược, bấy giờ Khai quốc vương trấn thủ  lộ Tuyên Quang” (Khai quốc vương là tước hiệu của Trần Nhật Duật. Bài minh do Hứa Tông Đạo, môn khách của Trần Nhật Duật soạn năm 1231).

Một nét thành Tuyên.  Ảnh: Cảnh Trực

Năm 1469, Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước thành 12 thừa tuyên. Tổng cộng có 49 phủ, 50 châu, 163  huyện. Trong đó thừa tuyên Tuyên Quang có 1 phủ, 1 huyện và 5 châu (là  phủ An Bình, huyện Phúc Yên 58 xã,  châu Thu Vật 40 xã,  châu Lục An 34 xã, châu Đại Man 38 xã, châu Bình Nguyên 52 xã, châu Bảo  Lạc 1 xã, 7 động). Thừa tuyên Tuyên Quang, phía Bắc giáp Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); Đông giáp Cao Bằng, Thái Nguyên; Tây giáp Lào Cai; Nam giáp Sơn Tây, Hưng Hóa. Hình dung thừa tuyên Tuyên Quang gồm đất đai Tuyên Quang, Hà Giang, Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), Yên Bình, Lục Yên,  Trấn Yên (Yên Bái) ngày nay.

Năm 1512,  trấn Tuyên Quang đổi thành trấn Minh Quang.

Đầu triều Gia Long (1802), Tuyên Quang là một trấn lệ thuộc vào Bắc thành (thành Thăng Long). Ngày 4 tháng 11 năm 1831, vua Minh Mệnh bỏ chức tổng trấn, đổi Thăng Long thành tỉnh Hà Nội, đổi 12 trấn từ Quảng Trị trở ra thành tỉnh, trực thuộc triều đình Huế. Trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Về sau, địa giới Tuyên Quang có nhiều sự thay đổi, tách những đơn vị cấp châu, huyện để thành lập hai tỉnh Hà Giang, Yên Bái vào năm 1900.

Từ đó, địa giới Tuyên Quang tương đối ổn định đến ngày nay, chỉ sát nhập thêm huyện Sơn Dương, lập huyện Yên Sơn từ huyện Phúc Yên, đổi châu Đại Man thành châu Chiêm Hóa, lập huyện Na Hang từ huyện Chiêm Hóa.

Truyền thống lịch sử vẻ vang

Là tỉnh biên giới, trải mấy nghìn năm, Tuyên Quang luôn là tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến phương Bắc xâm lược, từ Tần, Hán, Tống, Nguyên đến Minh, Thanh.

Dưới chế độ phong kiến, rồi thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế Tuyên Quang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, giao thông dựa vào điều kiện tự nhiên. Thực dân Pháp thống trị bắt phu làm Quốc lộ 2, mở tuyến giao thông đường bộ. Chúng khai thác các mỏ than, ăng ti moan, kẽm… sản xuất công nghiệp bắt đầu có ở Tuyên Quang nhưng chỉ đem lại lợi ích cho bọn chủ thực dân. Tuy vậy việc khai thác mỏ đã hình thành lực lượng công nhân, lực lượng đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Tuyên Quang ra đời từ phong trào công nhân mỏ than.

Đình Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) - nơi diễn ra Quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập và quyết định
Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.   Ảnh: Ngọc Chiến

Trong Cách mạng Tháng Tám, Phân Khu ủy Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân Sơn Dương đứng lên tiến hành khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, làm tiền đề thành lập Khu Giải phóng và Tân Trào được chọn là Thủ đô -  Trung tâm chỉ đạo cách mạng của cả nước. Nhân dân Tuyên Quang một mặt ủng hộ hậu cần, một mặt góp phần xây dựng Khu Giải phóng, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ, cán bộ, Giải phóng quân. Từ Thủ đô khu Giải phóng, Trung ương Đảng, Bác Hồ lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đưa tới thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Tuyên Quang tự nguyện phá dỡ nhà cửa, triệt để tiêu thổ kháng chiến, thi đua tham gia tuần lễ vàng, mua công trái, đóng thuế nông nghiệp, đi dân công, thanh niên hăng hái vào bộ đội; dân quân du kích phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu mưu trí, dũng cảm góp phần quan trọng đập tan cuộc tấn công Thu - Đông năm 1947 của địch, bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương đóng trụ sở làm việc tại Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang. Cũng tại Thủ đô Kháng chiến, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2-1951) và nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức.  Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang đã có đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Tuyên Quang ra sức thi đua vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và Bình Thuận kết nghĩa với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đóng góp phần mình làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời gian từ năm 1976 đến năm 1991, Đảng bộ và quân dân Hà Tuyên đoàn kết chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu dũng cảm bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Từ tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang bước vào thời kỳ phát triển về mọi mặt, đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản.  Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao và phát triển về quy mô. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành đạt trên 34.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng; thu ngân sách hơn 2.300 tỷ đồng; quy mô sản xuất công nghiệp tăng trên 220 lần so với năm 1991, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.395 tỷ đồng.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thu hút một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư:  Vingroup, Flamingo, Mường Thanh,  Đan Ko, Công ty cổ phần Woodsland... tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MSA-YB thuộc Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Long Bình An.

Sản xuất nông nghiệp, chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị, hình thành sản xuất hàng hóa tập trung với trên 27.000 ha, gồm chè, mía, lạc, cam, bưởi. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%, đã trồng trên 140.000 ha rừng gỗ nguyên liệu; phấn đấu trở thành trung tâm phát triển lâm nghiệp và chế biến gỗ. Hiện đã có 47 xã trong tổng số 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đường làng ngõ bản quang đãng sạch sẽ.

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình được quy hoạch đầu tư xây dựng. Đa dạng loại hình du lịch: Du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch khám phá trải nghiệm...

Người dân Tuyên Quang cần cù trong lao động; kiên cường, bất khuất trong chiến đấu bảo vệ giang sơn, bờ cõi và tài hoa trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật.

Tuyên Quang hiện có hơn  600 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 bảo vật quốc gia; 8 di sản phi vật thể được công nhận cấp quốc gia, gồm Páo dung dân tộc Dao, Sình ca dân tộc  Cao Lan, Soọng cô dân tộc Sán Dìu, nghệ thuật trang trí trên trang phục ngành Dao Đại Bản, lễ Cấp sắc dân tộc Dao,  lễ hội Lồng tông, lễ rước Mẫu đền Hạ-đền Thượng-đền Ỷ La, trò chơi dân gian Kéo co. Thực hành Then Tày- Nùng - Thái được UNESCO công nhận là    Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch.

Xây dựng kết cấu hạ tầng có sự phát triển vượt trội, nhất là hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc. Hình thành cơ bản hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ. Hàng chục cầu bê tông vượt sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy và những con suối lớn được xây dựng. Riêng trên sông Lô đã xây 5 cây cầu lớn. Tất cả các xã và hầu khắp thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; bê tông hóa trên 3.500km đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công năm 2021.

Cùng với đó thành tựu nổi bật ghi dấu trong 30 năm đổi mới phải kể đến, đó là việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang vào năm 2002 với tổng công suất 342 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 1,295 tỷ kwh.

Hệ thống đào tạo từ mầm non đến đại học được hoàn chỉnh; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ giường bệnh, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu  cầu  bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19,  không để dịch bệnh phát sinh lây lan trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng trên 20 nghìn lao động, tỷ lệ giảm nghèo còn 9,08%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Ghi nhận những thành tích, những nỗ lực sáng tạo đổi mới của Đảng bộ, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc  Tuyên Quang, Đảng, Nhà nước đã trao tặng những phần thưởng cao quý gồm  Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu tỉnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, còn đó những hạn chế cần sớm khắc phục như: Tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn chưa được phát huy tương xứng, còn có những "điểm nghẽn" cản trở quá trình phát triển. Những điểm đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực cao hơn nữa, luôn khắc ghi và thực hiện lời Bác Hồ căn dặn khi Người về thăm  Tuyên Quang tháng 3 năm 1961:

“Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc Kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội... ”.

Trong chặng đường mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang  phấn đấu đến năm 2025 đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17: Tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân 5 năm đạt trên 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm đạt 14%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa trên 27%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm

                                  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Xây dựng Tuyên Quang xứng danh quê hương cách mạng

Tuyên Quang tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang có lòng yêu nước nồng nàn; ý chí kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; thông minh, sáng tạo trong chế ngự thiên nhiên; cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Dấu tích thành Tuyên Quang, thành Nhà Bầu là minh chứng cho một thời các bậc tiền nhân đã lựa chọn Tuyên Quang làm nơi đóng đô.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang có vị trí chiến lược, hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên, xã hội và lòng dân để Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình và nhiều di tích lịch sử khác đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, quân và dân Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đóng góp xứng đáng sức người, sức của cùng với cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Có một số chương trình được cả nước biết đến như: Chương trình trồng rừng, bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo, kiên cố hóa giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, phổ cập giáo dục tiểu học, đào tạo cán bộ xã, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số...

Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, là một người con của quê hương Tuyên Quang, tôi rất vui mừng, phấn khởi tự hào với những thành tựu to lớn mà tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Tuyên Quang sẽ phát huy nội lực, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững hơn nữa, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, phấn đấu để mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


                                             

  Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh

  Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
        Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc

Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Đặc biệt, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, Lễ hội Thành Tuyên... đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là những tiềm năng, lợi thế lớn, là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy Tuyên Quang phát triển. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mong muốn tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho văn hóa; giữ gìn, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt; thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư theo quy hoạch để tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Đồng thời, tập trung các giải pháp phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, khai thác hệ thống di tích lịch sử cách mạng. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ cùng với tỉnh tiếp tục kiến nghị đầu tư xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, gắn với quy hoạch và cơ chế bảo đảm hoạt động hiệu quả. 

Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tôi tin rằng Tuyên Quang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.


                                

Đồng chí Hoàng Bình Quân 

 Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy,
 nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

Tuyên Quang trên đà đổi mới

Tuyên Quang đang trên đà đổi mới, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững, an ninh lương thực được đảm bảo. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, thành phố Tuyên Quang đã được công nhận đô thị loại II và đang hướng tới mục tiêu đô thị loại I. Lĩnh vực công nghiệp, du lịch có nhiều khởi sắc, thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển toàn diện, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Với thành quả đó, tôi tin tưởng rằng Tuyên Quang từng bước vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc đúng như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. 


                              

  Đồng chí Trần Đức Quý

 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang

 Hà Giang - Tuyên Quang hợp tác cùng phát triển

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Tuyên Quang và Hà Giang luôn giữ mối quan hệ bền chặt, liên kết để cùng phát triển. Cả 2 tỉnh đã giành được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuyên Quang trong những năm qua đã có những bước phát triển toàn diện, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, nhất là việc đã thu hút được những nhà đầu tư lớn đến đầu tư, phát triển trong các lĩnh vực. Ngoài ra, tôi cũng thấy Tuyên Quang đang có những dự án phát triển quan trọng, có quy hoạch, có tầm nhìn dài hạn, chắc chắn sẽ giành được những thành tựu vượt bậc trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, 2 địa phương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết, kết nối cùng phát triển. Trong đó, việc kết nối hạ tầng giao thông được đặt lên hàng đầu để tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu kinh tế, giao thương hàng hóa. Ngoài ra, những thế mạnh trong phát triển du lịch, công nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản,... đã và đang mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa hai địa phương.

 

Theo Mạc Ninh, Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục