,

Chương trình MTQG DTTS&MN

Quyết liệt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia

- Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025. Là chủ trương mới, lần đầu thực hiện, mục tiêu chương trình rất lớn, khối lượng công việc rất nhiều, thời gian gấp rút, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Chương trình bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Ngay sau khi Quyết định số 1719 được phê duyệt, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai công tác chuẩn bị thực hiện chương trình. Trong đó, chú trọng rà soát nhu cầu nguồn vốn, công tác lập kế hoạch, tham mưu các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện dự án.

UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện 24 nhiệm vụ về xây dựng các văn bản triển khai thực hiện có liên quan đến Chương trình: 6 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 15 Quyết định, 2 Kế hoạch, 1 hướng dẫn liên ngành của UBND tỉnh. Theo Quyết định số 428/QĐ-UBND về giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta được phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung ương là 1.819 tỷ đồng. Riêng năm 2022, nguồn vốn được phân bổ gần 512,4 tỷ đồng.

Dân tộc Dao được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Dự án 9.  

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban Dân tộc là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của UBND các huyện, thành phố triển khai rà soát đối tượng, phạm vi và nhu cầu nguồn vốn thực hiện các dự án,  tiểu dự án để xây dựng, ban hành Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức được 6 hội nghị tập huấn về Chương trình với 560 thành viên các cấp tham dự. Đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh 5 kế hoạch sát sao với thực tiễn của địa phương. Đó là: nội dung Tiểu dự án 2 - Dự án 5; Tiểu dự án 2 - Dự án 9; Tiểu dự án 4 - Dự án 5; Tiểu dự án 3 - Dự án 10; kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình.

Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó

Các dự án của Chương trình liên quan đến cơ sở hạ tầng đặc biệt được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đây được coi là “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực cho sự phát triển, góp phần vào thành công của Chương trình.

Trong tháng 7-2022, UBND tỉnh báo cáo đề xuất với Trung ương xem xét phê duyệt 4 dự án đường giao thông được sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới với tổng trị giá đầu tư 235 tỷ đồng. Đó là tuyến đường từ trung tâm xã Yên Hoa đến trung tâm xã Hồng Thái (Na Hang); xây dựng cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐH08 xã Đông Thọ - xã Tân Thanh (Sơn Dương); đường giao thông thôn Bản Pình - thôn Vàng On, xã Trung Minh đi thôn Phan, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); đường giao thông Tát Nga - Nà Năm, xã Phúc Yên (Lâm Bình).

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, huyện Na Hang làm việc với các đơn vị thiết kế tại buổi khảo sát thực tế để xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã Yên Hoa đến trung tâm xã Hồng Thái (Na Hang).

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang gấp rút hoàn thiện mẫu thiết kế của các tuyến đường thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4 để trình UBND tỉnh. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Sang cho biết, mục tiêu đặt ra của Tiểu dự án 1 là đầu tư xây dựng, hoàn thiện theo hướng nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa 224 tuyến đường giao thông đến các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn tại xã khu vực III, xã ATK và thôn đặc biệt khó khăn. Sở tham mưu và chỉ đạo xây dựng mẫu thiết kế, quy mô các tuyến đường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dựa trên cơ sở quy mô, thiết kế đường thôn, đường nội đồng của Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20-11-2020 của HĐND tỉnh nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí. 

Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ thực hiện Chương trình còn chậm. Nguyên nhân do nguồn lực năm 2022 giao muộn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, giải ngân các nguồn vốn. Một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. Nội dung một số Thông tư chưa cụ thể, rõ ràng khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đơn cử như định mức hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất chưa được Trung ương quy định. Ủy ban Dân tộc hiện chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện việc xác định danh sách các thôn có dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng; chưa có văn bản hướng dẫn ủy thác đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn…  

Đồng bào các dân tộc xã Hoàng Khai (Yên Sơn) quan tâm, tìm hiểu về các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó” là phương châm lãnh đạo xuyên suốt của hệ thống chính trị toàn tỉnh nhằm về đích các mục tiêu của Chương trình. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị những khó khăn, vướng mắc với Ủy ban Dân tộc, Bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, hoàn thành việc thể chế, xây dựng các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn về tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình, đảm bảo đúng theo quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Các cơ quan cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong xây dựng thể chế, văn bản hướng dẫn triển khai, tạo điều kiện thuận lợi, không tạo nên thủ tục hành chính, vướng mắc cho cấp huyện, xã trong tổ chức thực hiện. Từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo phân cấp triệt để trong quá trình tổ chức, thực hiện, không chồng chéo, không đùn đẩy trách nhiệm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.

Cấp xã tăng cường chủ động trong triển khai thực hiện, vận dụng vai trò của người uy tín, cốt cán để tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án; thành lập Ban Quản lý, Ban Giám sát cộng đồng tại thôn, xóm để giám sát nguồn vốn Nhà nước đảm bảo được sử dụng hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và đồng bào các dân tộc về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết của Chương trình.

 

(theo Báo Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục