Trong quá trình phát triển, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định hai yếu tố “xương sống” là phát huy truyền thống cách mạng và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Bởi giữ được bản sắc mới giữ được hồn cốt dân tộc. Giữ được bản sắc mới có thể phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thể chế những chủ trương chung đó, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về việc phát triển văn hóa kết hợp phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bản sắc xứ Tuyên luôn được địa phương và người dân chú trọng bảo tồn và phát huy.
Tỉnh đã giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện công việc quản lý văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa, di sản, di tích. Cụ thể ở lĩnh vực văn hóa vật thể, tỉnh quản lý tốt 658 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh lam thắng cảnh di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình. Ngoài ra tỉnh có hàng nghìn cổ vật, tư liệu quý; trong đó có bảo vật Quốc gia Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Yên Nguyên (Chiêm Hóa), có từ thời nhà Lý. Về lĩnh vực văn hóa phi vật thể trên địa bàn có 425 di sản của các dân tộc, trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với 11 tỉnh đất Then, Then Tuyên Quang cũng nằm trong vùng Di sản văn hóa đại diện của nhân loại cần được bảo tồn, phát huy.
Hiện nay tỉnh có gần 70 di tích đền, chùa không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn có bề dày lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc độc đáo cổ xưa, với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, huyền bí. Như đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm Tự (Lâm Bình); đền Pác Tạ, Bắc Vãng (Na Hang); đền Bó Cuống, Bách Thần, đền Ngọc Hội, chùa Nhùng xã Hòa Phú, Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa); đền Bắc Mục, Thác Con, Thác Cái (Hàm Yên); chùa Đại Bi, Phật Lâm (Yên Sơn); chùa Lang Đạo (Sơn Dương). Hệ thống đền, chùa nổi bật nhất phải nói đến thành phố Tuyên Quang. Ngay tại thành phố có cả một quần thể, nổi tiếng như đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu và đền Ỷ La và các chùa An Vinh, chùa Hang.
Toàn tỉnh có trên 40 lễ hội truyền thống đặc sắc gắn với tâm linh, văn hóa của các dân tộc. Trong những năm qua tỉnh đã bảo tồn, khôi phục, phát huy một số lễ hội như: Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Dao Đỏ (Na Hang), Cao Lan (Yên Sơn); Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày xã Tân Trào (Sơn Dương); Lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên); Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô; Lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, lễ hội rước Mẫu (TP Tuyên Quang)…
Ở mảng văn hóa phi vật thể, tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nhạc cụ, các bài thuốc dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng, Páo dung, Sình ca, Soọng cô phát triển khá mạnh. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có đội văn nghệ quần chúng; trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc. Các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian được quan tâm và đang phát huy vai trò nòng cốt truyền lửa cho thế hệ trẻ của mình.
Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhận thức được vai trò to lớn của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, trong những năm qua tỉnh và ngành đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, tỉnh đã đẩy mạnh chỉnh trang tôn tạo các khu, điểm di tích, giữ gìn bảo vệ nghiêm ngặt và hài hòa các khu danh thắng quốc gia. Đối với loại hình văn hóa phi vật thể, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành ưu tiên kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho từng đối tượng, có giải pháp bảo tồn trong cộng đồng. Các sản phẩm du lịch như ocop, quà tặng lưu niệm, ẩm thực đều coi trọng yếu tố bản sắc văn hóa địa phương. Ngành coi bản sắc văn hóa dân tộc là tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang, nếu biết bảo tồn, phát huy, khai thác tốt chắc chắn sẽ là nguồn lực lớn cho phát triển của tỉnh.