Tuyên Quang: Đầu tư hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

29/08/2024 - 09:01
24

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Làm mới diện mạo nông thôn

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình), tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS. Các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa. Một trong những dự án thành phần quan trọng được Tuyên Quang khẩn trương triển khai là dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Đơn cử như Chiêm Hóa, là huyện có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2021 - 2025. Toàn Huyện hiện có 14/26 xã khu vực III và 165 thôn đặc biệt khó khăn. “Điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện là hạ tầng giao thông còn thiếu, nhất là giao thông nông thôn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chiêm Hóa, toàn huyện mới có khoảng 1.212/1.740,55 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; số km còn lại chưa được “cứng hóa” chủ yếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện. Năm 2021, thực hiện Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, tuyến đường từ trung tâm xã Bình Phú vào thôn Phú Lâm được đổ bê tông. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đoạn Lung Lừa - Khau Hán, dài 352m chưa thực hiện được. Triển khai Chương trình, đầu năm 2023 huyện Chiêm Hóa đã bố trí vốn để xã Bình Phú đổ bê tông 352m còn lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đi kiểm tra dự án đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).

Bà Quan Thị Chiêu, Chủ tịch UBND xã Bình Phú (Chiêm Hóa) cho biết, hiện tuyến đường từ thôn Phú Lâm đến trung tâm xã đã thông tuyến, đây là một trong 5 công trình giao thông trên địa bàn xã được đầu tư; các tuyến đường hoàn thành giúp bà con đi lại vận chuyển nông sản thuận tiện. Ngoài đầu tư hạ tầng, xã còn triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, nhà ở. Hưởng lợi từ Chương trình từ đầu năm 2024 xã Bình Phú có 5 hộ được hỗ trợ nhà ở, 12 hộ chuyển đổi nghề, 45 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Hiện toàn xã còn 290 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 9,2%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông nông ngày càng khởi sắc.

Ông Phùng Văn Thanh, Trưởng thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ: "Thôn có 104 hộ dân, 465 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc Dao. Đến nay, cơ sở hạ tầng của thôn đã tương đối đầy đủ, đường giao thông đi lại thuận lợi, nhà văn hóa, điểm trường học được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu mọi mặt của cuộc sống, bà con ai cũng vui mừng". 

Cầu Pác Bó, Tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) được đầu tư thuộc Chương trình MTQG.

Đầu năm 2023 điện lưới quốc gia được kéo về thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã thắp lên niềm vui lẫn sự kỳ vọng về một cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Chị Lý Thị Mỵ, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi cho hay, chị và hàng chục gia đình trong xóm rất phấn khởi, có điện rồi bà con sắm sửa mua quạt, ti vi về dùng, có điện thắp sáng, đời sống sinh hoạt được nâng lên nhiều.

Ông Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, được sự quan tâm của Nhà nước, 2 thôn cuối cùng của xã là Khuổi Ma và Tấu Lìn đã có điện lưới quốc gia. Cùng với đó, cây cầu bắc qua sông Phó Đáy tại thôn Bum Kẹn được đầu tư kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng; cầu có chiều dài 72m, chiều rộng mặt cầu 6,5m. Từ khi công trình hoàn thành đã giúp cho gần 190 hộ dân với 900 nhân khẩu là đồng bào Mông, Dao… ở hai thôn Bum Kẹn, Khuổi Ma đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Tạo đòn bẩy phát triển

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang có 50 xã khu vực III và 658 thôn đặc biệt khó khăn. Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, một trong những dự án quan trọng được tỉnh khẩn trương triển khai là dự án 4, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Từ năm 2022 - 2023, tỉnh đã phân bổ trên 171 tỷ đồng vốn đầu tư để xây dựng 290 công trình hạ tầng các loại; thực hiện duy tu 71 công trình hạ tầng đã được đầu tư trong giai đoạn trước; kiên cố trên 699 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%...

Chương trình được triển khai làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Tuyên Quang.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành 192 km đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng 45 cầu trên đường giao thông nông thôn. Cùng với các chính sách khác thì việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo đột phát trong thực hiện mục tiêu giảm trên 4%/năm hộ nghèo người DTTS; đưa 08 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh Tuyên Quang.

Thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, triển khai các chính sách đến với vùng DTTS của tỉnh đúng đối tượng thụ hưởng, để phát huy nguồn lực các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong vùng DTTS, từ đó đồng bào nắm rõ, hiểu sâu; tạo đồng thuận, chung tay, góp sức cùng tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình./.

 

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BAN DÂN TỘC TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép hoạt động số: 79/GP-TTĐT ngày 11/10/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Tổ 06, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.816.388 - Fax: 02073.817.094 - Email: bandantoc@tuyenquang.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Ma Quang Hiếu - Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang
Bản quyền nội dung thuộc Ban Dân tộc Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang