Tổng kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và vốn kéo dài năm 2022 là gần 2.675 tỷ đồng. Trong đó: tổng vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 trên 1.363 tỷ đồng; vốn năm 2022 được phép kéo dài trên 1.311,7 tỷ đồng. Cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1.423,2 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 756 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 495,6 tỷ đồng.
Đến 19-5, toàn tỉnh giải ngân nguồn vốn trên được 176,551 tỷ đồng, đạt 6,60%. Trong đó: vốn năm 2022 giải ngân trên 142,5 tỷ đồng, đạt 10,86%; vốn năm 2023 giải ngân trên 33,9 tỷ đồng, đạt 2,49%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc họp.
Nguyên nhân việc giải ngân chậm do năm 2022 là năm đầu tiên được giao kế hoạch vốn của cả giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 nên việc xây dựng kế hoạch giao vốn chậm theo; việc xây dựng các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn; xây dựng các văn bản theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19-4-2022 của Chính phủ mất thời gian nhất định.
Cùng với đó, một số công trình, dự án khó khăn trong việc huy động nhân dân đóng góp do số hộ dân tại các thôn ít, phần lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số công trình, dự án không thực hiện được do địa điểm thực hiện vướng vào diện tích rừng tự nhiên; cơ chế chính sách còn chưa quy định cụ thể...
Các ý kiến thảo luận tập trung vào các vướng mắc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc như: Năng lực chủ đầu tư cấp cơ sở kém, sức đóng góp của nhân dân gặp khó do thôn ít người, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo. Nguồn vốn sự nghiệp khó giải ngân; phòng cháy chữa cháy thủ tục, thiết kế lâu...
Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, nhấn mạnh, tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang rất chậm. Nguyên nhân khách quan do các hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, khối lượng công việc nhiều. Nguyên nhân chủ quan do các đơn vị, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa quyết liệt.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Từng huyện, từng cơ quan chủ trì chương trình tích cực tháo gỡ cụ thể từng việc; Chủ tịch UBND các huyện báo cáo thường trực huyện ủy để tích cực lãnh đạo, giám sát tích cực đôn đốc, tháo gỡ dốc sức thực hiện. Các đồng chí đứng đầu huyện, sở, ngành phải sát sao thực hiện không né trách trách nhiệm, không thực hiện được sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, không có tình trạng trả vốn. Tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở đến huyện, tỉnh, 3 cơ quan chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia phải tham mưu các giải pháp trước 30-5 để ngay trong tuần đầu tháng 6, tỉnh phải xong hết các giải pháp tháo gỡ để đôn đốc thực hiện.
Các ngành, các huyện phải tăng cường phối hợp hơn nữa, không để tồn đọng việc. Đối với nguồn vốn đối ứng, ngành tài chính, Ban Dân tộc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần cân đối, đánh giá nguồn vốn để xác định thời điểm đối ứng. Từ tháng 6, định kỳ 15 hàng tháng phải báo cáo tiến độ giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.