,

Chương trình MTQG DTTS&MN

Đường thênh thang thoát nghèo

- Sau Tết Nguyên đán 2024, cùng với tinh thần hăng say lao động sản xuất, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh háo hức niềm vui mới khi nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, nội đồng to rộng hơn đã được thông tuyến, đưa vào sử dụng. Phát triển hạ tầng giao thông là “chìa khóa” cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước thì đồng bào DTTS đã sẵn sàng hiến đất, di dời tài sản, nhà ở trên đất để có những con đường thênh thang dẫn lối thoát nghèo.

Hiến đất vì lợi ích của chính mình

Hơn 20 năm sống, lập nghiệp trên đất rừng, anh Dương Thế Bằng, thôn 9 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có 1 ngày trước cửa nhà mình lại có con đường to rộng, kiên cố đi qua, anh không còn phải nhọc nhằn, vất vả mỗi mùa thu hoạch lâm sản, nông sản. Đặc biệt, nơi hoang vu hẻo lánh này sẽ có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tương lai, con đường trở thành tuyến đường huyết mạch, kết nối với đường quốc lộ 2C Tuyên Quang - Hà Giang.

 Người dân thôn 6, thôn 9 Minh Phú hiến đất làm đường.

Anh Bằng bày tỏ: "Trước kia, chúng tôi đã mở đường nhưng chỉ rộng khoảng 2,5m để đi vào khu sản xuất với diện tích vài chục hecta. Tuyến đường chỉ là đường đất, mỗi khi trời mưa gió khổ vô cùng. Khi được triển khai chủ trương làm tuyến đường rộng 7m với tinh thần Nhà nước đầu tư kinh phí, Nhân dân hiến đất mở rộng đường, tôi và cả gia đình hào hứng lắm. Tôi bảo, máy móc cuốc đến đâu thì cuốc, đất lấy bao nhiêu cũng được, cứ đảm bảo theo đúng yêu cầu Nhà nước đề ra là được". Vừa hiến khoảng 5.000m2 đất làm đường, nhiều cây trồng trên đất cũng được gia đình anh Bằng vui vẻ tháo dỡ để trả mặt bằng sạch cho Nhà nước. Anh Bằng chủ động chặt gần chục búi tre cho thu nhập trung bình mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Cũng giống như anh Bằng, hộ gia đình đảng viên Đặng Văn Chính cũng hiến khoảng 3.000m2 đất; gia đình ông Tướng Văn Năm, thôn 9 Minh Phú hiến gần 3.000m2 đất. “Của một đồng, công một nén nên nhìn diện tích cây keo sắp được thu hoạch, nhiều gốc cam sành bao công vun trồng nay chặt đi để làm đường... chúng tôi cũng xót lắm. Nhưng khi hiểu ra: Bỏ cái nhỏ, gặt cái lớn. Trước mắt, kinh tế hộ gia đình phần nào bị ảnh hưởng song trong tương lai, kinh tế của cả thôn, cả xã sẽ được phát triển hơn nhờ tuyến đường nên chúng tôi đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước để con đường được nâng cấp, mở rộng. Hiến đất cũng chính vì lợi ích của mình thôi mà” -  ông Chính cho biết.

Đồng chí Vũ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết thêm: Công trình nâng cấp tuyến đường từ thôn 6 Minh Phú đi thôn 9 Minh Phú có chiều dài 3 km, tổng nguồn vốn đầu tư 8 tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Ước tính, 2 thôn 6, 9 Minh Phú có 12 hộ hiến đất mở rộng đường với diện tích trên 1,5 ha. Đa phần các hộ người dân tộc Dao, cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn song đã tự nguyện hiến đất, đồng tâm, hiệp lực cùng cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn đưa tuyến đường hoàn thành giai đoạn 1 trước Tết Nguyên đán 2024.

Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đã có hàng chục các công trình hạ tầng giao thông vùng được đầu tư xây dựng, đồng bào DTTS hiến hàng trăm nghìn m2 đất. Nghe chuyện mở đường mới bà con rất phấn khởi nhưng được vận động cắt một phần đất sản xuất để làm đường thì không phải ai cũng sẵn lòng. Bởi thế, thành quả có được là nhờ nỗ lực của hệ thống chính trị trong công tác dân vận.

Gia đình ông Lù Văn Thanh, thôn Khau Làng, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) vừa hiến đất và di chuyển nhà ở để làm tuyến đường.

Thành quả của “dân vận khéo”

Chở chúng tôi trên chiếc xe máy bon bon đi thăm công trình đường bê tông từ thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện kết nối với thôn Khau Làng, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) dài 3 km, ông Lù Seo Pao, người có uy tín, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Ngòi Nghìn vui mừng nói: "Tuyến đường to rộng này là bao nhiêu công sức của cán bộ xã, cán bộ thôn vận động đồng bào Mông hiến đất để mở đường đấy. Ban đầu nhiều hộ không đồng ý đâu. Họ bảo, sao Nhà nước không xẻ dãy núi đá kia mà làm đường qua, cớ sao lại làm đường qua đất sản xuất. Quên ăn, mất ngủ trong nhiều tháng liền, chúng tôi đến từng hộ, trò chuyện, động viên cho từng hộ hiểu vì sao phải hiến đất làm đường. Có hộ đến 1, 2 lần vận động là đồng ý rồi, có hộ thì đến 5, 6 lần mới đồng ý".

Thôn Ngòi Nghìn có 80 hộ, 100% là đồng bào Mông. Cả thôn có 17 hộ hiến diện tích đất ruộng, đất lâm nghiệp mở đường nhờ sự trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ thôn, xã như ông Pao. 

Là hộ cuối cùng của thôn Khau Làng, xã Kiến Thiết và giáp với thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện, 2 hộ gia đình dân tộc Nùng là ông Lù Văn Thanh và con trai hiến trên 7.000m2 đất và bỏ ra trên 100 triệu đồng để di chuyển nhà ở sang vị trí mới. Ông Thanh kể: Mặc dù ông Pao là cán bộ thôn Ngòi Nghìn nhưng ông thường xuyên, tích cực với cán bộ thôn Khau Làng đến động viên gia đình nỗ lực khắc phục khó khăn, hiến đất cho Nhà nước và nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông tin tưởng rằng, đời sống của đồng bào nơi đây sẽ khấm khá hơn nhờ tuyến đường lớn lưu thông, việc hiến đất là việc làm xứng đáng nhất từ trước đến nay ông đóng góp cho xã hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang dành nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đã trở thành những tấm gương sáng hiến đất mở đường. Đó là minh chứng cho sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đường thênh thang để dẫn lối thoát nghèo, góp phần vào vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” của Đảng, Nhà nước.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục