,

Chuyển đổi số

Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng

Chiều 02/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về kết quả, những hạn chế và nguyên nhân trong công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023; giải pháp đẩy mạnh CCHC năm 2024 trên 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh. Cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, trong đó có việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Cải cách tài chính công được quan tâm, trong đó giải ngân vốn đầu tư công đạt 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 95% kế hoạch.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang

Phát biểu kết luận phiên họp, sau khi chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số quan điểm, chỉ đạo và 6 lĩnh vực trọng tâm trọng điểm cần tập trung CCHC trong năm nay.

Thủ tướng cũng giao nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và cụ thể, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả hơn, hoàn thành trước tháng 9; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, hoàn thành trong quý II.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời tập trung phát triển hạ tầng số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành để nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Tin cùng chuyên mục