,

Chuyển đổi số

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8, nhằm đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực. Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển.100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện).

CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Quý I/2024, doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm CNTT đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Tại Tuyên Quang, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh được xây dựng, hiện tại đang kết nối tích hợp một số hệ thống; tiếp tục duy trì hoạt động nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) tỉnh được hoạt động liên tục 24/24.

Đến tháng 3/2024, tỉnh cung cấp 1.826 thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân và doanh nghiệp; số hồ sơ phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng thanh toán quốc gia là 14.358 hồ sơ; tỷ lệ số hóa hồ sơ thực hiện TTHC trên Hệ thống giải quyết TTHC tỉnh đạt 91,85%, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 86,55%; 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chỉ trả lương hưu qua ngân hàng. Đã có khoảng 277.010 tài khoản Mobile Money, ví điện tử (do VNPT, Viettel và MobiFone triển khai cung cấp) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục ứng dụng thẻ căn cước công dân thay thế Bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh…

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. 

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".

"3 tăng cường" gồm: Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

"5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược về phát triển Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số; dữ liệu số. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg, Quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Tin cùng chuyên mục