,

Chuyển đổi số

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025

Nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước, ngày 29/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch:

Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở

- Cấp xã: + 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố.

+ Phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử hoặc trang Fanpage để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.

+ Phấn đấu đến năm 2025 xã, phường, thị trấn có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân. - Cấp huyện: + 100% huyện, thành phố có cơ sở truyền thông cấp huyện.

+ Phấn đấu đến năm 2025 huyện, thành phố có bảng tin điện tử công cộng (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.

-Cấp tỉnh:

+ Năm 2023, hoàn thành Hệ thống thông tin nguồn để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh.

+ 100% các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

- 100% thông tin thiết yếu phổ biến đến người dân được cung cấp trên Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

- 100% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên và báo cáo, thống kê từ cơ sở về hoạt động thông tin cơ sở được thực hiện trên Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

 - 70% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm thông tin cơ sở 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại:

Thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông:  Thực hiện thiết lập mới đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đối với các xã, phường, thị trấn chưa có đài hoặc đã có nhưng xuống cấp không sử dụng được; trong đó sử dụng nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (đối với các xã trên địa bàn thuộc đối tượng quy định của Chương trình) và nguồn lực ngân sách địa phương (đối với các xã còn lại) để thực hiện nhiệm vụ.

Thiết lập trang thông tin điện tử hoặc trang Fanpage: Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã là một thành phần của Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thiết lập trang Fanpage, có chức năng cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn. Cung cấp kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới và các quy định của chính quyền cơ sở; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn; tin tức về các sự kiện, hoạt động nổi bật của cơ sở; thông tin phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Thiết lập bảng tin điện tử công cộng: Các huyện, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, nhu cầu công tác truyền thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch đầu tư, thiết lập bảng tin điện tử công cộng phù hợp với thực tế địa bàn.

Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện: Từng bước chuyển đổi hoạt động của các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, xã theo hướng hiện đại hóa với chức năng, nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.

Thiết lập Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh: Thiết lập Hệ thống thông tin nguồn do Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý, vận hành để tổ chức hoạt động thông tin cơ sở ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; cung cấp thông tin nguồn của cấp tỉnh và cấp huyện cho hệ thống thông tin cơ sở; theo dõi, giám sát được trạng thái hoạt động của các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bảng tin điện tử công cộng, các phương tiện thông tin cơ sở khác được kết nối và đánh giá tình hình hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động và mạng xã hội để tăng cường tương tác với người dân: Tích hợp Hệ thống thông tin nguồn tập trung cấp tỉnh phục vụ kết nối liên thông hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin từ Trung ương đến địa phương vào ứng dụng Tuyên Quang ID (App Tuyên Quang ID). Tổ chức hướng đẫn người dân sử dụng các tiện ích trên App Tuyên Quang ID để thực hiện các chức năng: Phản ánh hiện trường, cung cấp các thông tin, tiện ích trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ hành chính công, thực hiện khảo sát ý kiến của người dân; ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở gửi đến các cơ quan chức năng, hỗ trợ hoạt động của người dân trong các lĩnh vực thiết yếu... tích hợp các dịch vụ tiện ích như: Thanh toán tiền điện, nước và nền tảng ví điện tử (tài khoản điện tử) để thanh toán các giao dịch trực tuyến. Tăng cường sử dụng các mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội Việt Nam (Zalo, Lotus, Mocha...) để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dùng (các thông điệp, tin ngắn, hình ảnh, âm thanh, videoclip...), đấu tranh phản bác thông tin xấu độc lan truyền trên không gian mạng. Từ đó, tăng cường tương tác hai chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở: Tổ chức nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở ở các cấp theo hướng tinh gọn và phương châm mỗi công chức quản lý đảm đương nhiều việc, sử dụng thành thạo công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, thực thi pháp luật và có năng lực tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu về công nghệ thông tin, công nghệ số để quản lý, xây dựng nội dung, vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin…

Giải pháp về Cơ chế, chính sách: Xây dựng, ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thông tin, quản lý và vận hành đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để đảo bảo quản lý, vận hành thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu về vai trò, 5 tầm quan trọng của thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu và tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân…

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này nhằm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; kiểm tra, đôn đốc, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông; Chủ trì, giám sát việc xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, theo hướng xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh; quản lý, vận hành hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; quản trị ứng dụng App Tuyên Quang ID đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh…

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục