,

Tin tức chung

Hiệu quả thiết thực từ Chương trình 135 giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trong thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi diện mạo và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết Chương trình 135 

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đời sống của bà con nhân dân và bộ mặt nông thôn của Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở vùng thụ hưởng chính sách, Chương trình 135 ở tỉnh Tuyên Quang đã đạt được một số kết quả khá tốt, cơ sở hạ tầng được bổ sung, hoàn thiện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể; năng lực cán bộ ở cơ sở và nhận thức của nhân dân được nâng lên về nhiều mặt…

Từ nguồn vốn Chương trình 135, trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh Tuyên Quang đã được đầu tư trên 336 tỷ đồng để xây dựng 693 công trình hạ tầng, trong đó có 276 công trình giao thông, 74 công trình thủy lợi, 173 công trình trường học, nhà công vụ giáo viên, 137 nhà sinh hoạt cộng đồng, 19 công trình điện, 4 trạm y tế, 10 công trình nước sạch. Năm 2016 đầu tư trên 81 tỷ đổng để xây dựng 147 công trình; tiến hành duy tu, sửa chữa 143 công trình  của giai đoạn 2011-2015 và 41 công trình năm 2016 với tổng vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, góp phần làm mới 690 km đường giao thông, đảm bảo nước tưới cho 22 ha đất nông nghiệp, cung cấp điện sinh hoạt cho 855 hộ, sửa chữa 20.550 m2 nhà văn hóa, làm mới 160 lớp học và nhà công vụ giáo viên. Nhờ đó người dân đã có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Công trình đập thủy lợi Bản Tấng xã Phúc Yên huyện Lâm Bình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135

 

Đường bê tông  thôn Tân Yên, xã Bình Yên huyện Sơn Dương được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135

Trong phát triển sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã đầu tư hơn 65 tỷ đồng để xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 23.991 con gia súc, gia cầm cho hộ nghèo, hỗ trợ 421 ha giống cây trồng cho 3.102 hộ nghèo; hỗ trợ 91 tấn phân bón, 786 liều vắcxin và 846 chuồng trại cho 746 hộ nghèo; thực hiện hỗ trợ mua 2.481 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 6.394 hộ nghèo thuộc các nhóm hộ. Tính riêng trong năm 2016 đã đầu tư trên 22 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo mua sắm thiết bị, giống cây trồng vật nuôi. Qua triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người dân; quy mô sản xuất được mở rộng, đời sống vật chất được nâng lên...

Song song với phát triển sản xuất, Chương trình 135 còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực, trình độ cán bộ cơ sở. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản để họ tuyên truyền tổ chức thực hiện và vận động nhân dân tham gia. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã đàu tư trên 3,3 tỷ đồng để tổ chức tập huán khuyến nong, khuyến lâm cho 1.681 người; tập huấn mô hình xóa đói, giảm nghèo cho 3.228 lượt người, dạy nghề cho 125 thanh niên dân tộc thiểu số tuổi đời từ 16-25. Năm 2016 thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm với tổng kinh phí 900 triệu đồng. Qua các lớp tập huấn, trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên, nắm được những kiến thức cơ bản trong công tác quản lý nguồn vốn của Chương trình 135,  vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích. Qua tham gia các lớp tập huấn, người dân hiểu biết về nội dung cơ bản của Chương trình 135, các chính sách đang áp dụng trên địa bàn, từ đó tích cực tham gia và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 đã giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi thoát nghèo nhanh, bền vững; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá; cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản được đầu tư, nâng cấp nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, trường học. Thông qua đó đã thu hút trẻ em đến trường đi học ở các bậc học, giúp cho học sinh yên tâm học tập, hạn chế tình trạng bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư đảm bảo tưới tiêu chủ động cho diện tích trồng lúa nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông lâm nghiệp. Số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng,;các xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn có bảo hiểm y tế;  số thôn bản, xã có nhà văn hóa đạt chuẩn được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn ở xã khu vực I, II vùng dân tộc thiểu số đến nay cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; 100% các xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố;  85% số thôn bản có đường giao thông cơ giới đến trung tâm, 95% trung tâm xã và 60% thôn có điện lưới quôc gia.

        Ông Triệu Tiến Tuy là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Coòng xã Tri Phú huyện Chiêm Hóa, đồng thời là người có uy tín thôn. Trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, từ nguồn vốn chương trình 135, năm 2014 gia đình ông được hỗ trợ 1 con trâu cái để nuôi sinh sản, đến nay trâu cái đã đẻ được 2 con trâu nghé hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, gia đình ông  còn nuôi một đàn dê  gần 30 con. Nhờ vậy, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông đã xây dựng được 1 căn nhà cấp bốn, diện tích 60 m2 và mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Ông Triệu Tiến Tuy thôn Nà Coòng xã Tri Phú huyện Chiêm Hóa  đang chăm sóc đàn dê của hộ gia đình

Cũng từ nguồn vốn 135, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã Tri Phú có 67 hộ được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản; 29 hộ được hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản; 51 hộ được hỗ trợ mua máy nghiền thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi. Toàn xã được hỗ trợ 6 máy cày, máy bừa cho các tổ, nhóm phục vụ làm đất phát triển nông nghiệp; 6 máy gặt lúa dải hàng. Năm 2016 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ 3 hộ nuôi 6 con lợn thịt với kinh phí 18 triệu đồng.… Các máy móc hỗ trợ cho các tổ nhóm, ngoài việc phục vụ cho nhóm hộ, các tổ nhóm còn tích cực làm dịch vụ phục vụ cho các hộ dân trong thôn, xã khi họ có nhu cầu, góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình, tạo quỹ hoạt động của tổ, nhóm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình 135 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế, người dân là các đối tượng thụ hưởng trực tiếp thì chưa được thông tin, tiếp cận một cách đầy đủ, kịp thời; một bộ phận hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chưa có ý chí vươn lên. Công tác lồng ghép các chính sách cùng nội dung hỗ trợ trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao, chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chương trình, dự án. 

        Để giảm dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng, đô thị, đặc biệt để đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Chương trình 135, mà cần huy động nhiều nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, cũng như cán bộ, đảng viên về việc phấn đấu thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, xây dựng các chương trình, dự án phải cụ thể ở từng xã và hướng vào các tiêu chí còn thiếu để tiếp tục thực hiện.

Vũ Thanh

Tin cùng chuyên mục