,

Tin tức chung

Triển khai mô hìnhĐề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại xã Trung Minh, huyện Yên Sơn

Ban Dân tộc tỉnh làm việc với Ban chỉ đạo cấp xã và các tổ tư vấn về việc triển khai Mô hình Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Trung Minh huyện Yên Sơn

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm trong thời gian gần đây. Tảo hôn là tình trạng hai nam nữ kết hôn trước tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tức là lấy vợ trước 20 tuổi, lấy chồng trước 18 tuổi). Tảo hôn ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là người mẹ trẻ chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lí để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Kết hôn sớm còn làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trẻ em.

 Còn hôn nhân cận huyết là tình trạng hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ... Đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ em và bà mẹ.

Bên cạnh đó, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Như vậy, có thể thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Vậy, vì sao cho tới hiện tại, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn? Ở những vùng dân tộc thiểu số, bà con vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. hơn nữa, xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống cùng những thói quen của đồng bào nhà nào cũng có tâm lí muốn sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi, có thêm lao động cho gia đình, có người làm nương rẫy.

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn tới tình trạng này là do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của của giáo dục, nâng cao dân trí, không khuyến khích con em họ đến trường mà muốn con cái ở nhà làm việc phụ giúp gia đình.

Ngoài ra, cũng có những điều kiện khách quan tác động không nhỏ tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Đó chính là địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đại bộ phận người dân tộc ít người thường xuyên sinh sống ở vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí thấp, còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu trong cộng đồng như việc kết hôn, ly hôn, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con hoặc tình trạng bất bình đẳng nam nữ trong quan hệ hôn nhân…Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội thường xuyên thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức được hoặc chưa nắm vững về chế độ hôn nhân và gia đình.

Một nguyên nhân khác cũng đã góp phần vào việc làm cho hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa thật sự cao chính là đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế nhiều mặt; việc chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn do khoảng cách xa và điều kiện đi lại khó khăn, tính tiếp cận dịch vụ còn nhiều hạn chế.

Trước những tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đó Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 25/9/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.  Trung Minh là  xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn được chọn để tiến hành mô hình điểm. Theo số liệu thống kê trong hai năm 2014, 2015, trên địa bàn hai xã Trung Minh, Hùng Lợi có 27/212 cặp tảo hôn, 01/212 cặp kết hôn cận huyết thống.

Trong tháng 9 năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất với Uỷ ban nhân dân huyện Yên sơn tổ chức hai hội nghị tại hai xã Trung Minh, Hùng lợi tuyên truyền phổ biến Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, luật hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,các hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình phải xem xét xử lí theo quy định của pháp luật; thành phần dự hội nghị gồm các đồng chí trong cấp uỷ,toàn thể Ban chỉ đạo cẫp xã,các tổ tư vấn của các thôn,người có uy tín, đại diện các hộ gia đình với tổng số người tham gia trên 160 người. Ngày 30/9/2016 Ban dân tộc tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo xã Trung minh tổ chức tuyên truyền tại thôn Vàng On ( là thôn có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80%, trong những năm gần đây có tỷ lệ tảo hôn cao )                                                               

 Đã tổ chức hai đợt kiểm tra việc thực hiện đề án điểm và công tác tuyên truyền luật  hôn nhân và gia đình tại xã Trung Minh (huyện Yên Sơn). Kết quả bước đầu như sau:

Ủy ban nhân dân xã Trung Minh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND tuyên truyền Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”  và văn bản số:327/HD-BDT, hướng dẫn thực hiện mô hình thí điểm“Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”  của Ban Dân tộc tỉnh; đã thành lập được các tổ tư vấn tại thôn có trách nhiệm tuyên truyền luật hôn nhân và gia đình,tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đỡ các gia đình khi có những vướng mắc trong cộng đồng dân cư. Nhìn chung các tổ tư vấn đã có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm từng dân tộc nên đã thu được một số kết quả nhất định

Tình hình tảo hôn tại xã Trung Minh vẫn còn nhưng đã giảm: Trong 9 cặp kết hôn trên địa bàn xã chỉ có 03 cặp tảo hôn (chiếm 33%). Không có trường hợp nào kết hôn cận huyết thống.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án song Ban Dân tộc tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo cấp xã  thể hiện quyết tâm  để Đề án đạt được hiệu quả cao nhất, với mong muốn Đề án sẽ tạo điều kiện cho con em địa phương trong thời gian tới phát triển toàn diện hơn, có cơ hội học tập đầy đủ và khi kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của luật sẽ đảm bảo được cuộc sống ổn định, lâu dài đồng thời cũng bảo vệ được thế hệ con cháu đời sau phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

 

Phạm Trung Cương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Tin cùng chuyên mục