,

Tin hoạt động

DẤU ẤN CÔNG TÁC DÂN TỘC NĂM 2020

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, vượt lên trên những khó khăn, thách thức như: Đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, lũ lụt.... nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh; hướng dẫn chuyên môn của Ủy ban Dân tộc; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ban Dân tộc đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; từ đó đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ nguồn vốn của Chương trình 135, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí 104.368,0 triệu đồng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để xây dựng 113 công trình hạ tầng; thực hiện duy tu bảo dưỡng 35 công trình; tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời với Chương trình 135, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, đã tạo điều kiện cho 2.510 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ về nước sinh hoạt, 110 hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đầu tư 02 công trình giao thông, hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa với tổng kinh phí thực hiện trên 10.767,0 triệu đồng, từ đó đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số rất ít người của tỉnh.

Ban Dân tộc đã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên đối với đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin cho người uy tín và cho đồng bào các dân tộc, qua đó đã vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

Hiệu quả từ nguồn vốn của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi theo hướng tích cực, khang trang hơn; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 giảm còn 9,03%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 15,09% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh (tương đương 16.238 hộ dân tộc thiểu số nghèo) tỷ lệ giảm trên 3% so với năm 2019.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang cùng đoàn công tác Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) làm việc tại xã Xuân Lập,     huyện Lâm Bình. Ảnh: Công Thắng

Đặc biệt trong năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 12/5/2020 về thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 24/7/2020 về thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 12/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ trì rà soát kế hoạch thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành rà soát, phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh theo đúng các tiêu chí quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị các điều kiện và tổ chức đưa đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần II đảm bảo an toàn, trang trọng.

Đoàn Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, tháng 12/2020

Bước sang năm 2021,trên cơ sở các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và đặc biệt là Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang xác định 05 nhiệm vụ và 05 giải pháp thực hiện công tác dân tộc trong năm 2021 theo đó: (1)Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm là tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; (2) Thực hiện tốt công tác Cải cách hành chính theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;(3) Tổ chức triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định;(4) Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cở cơ, quy chế chi tiêu nội bộ, công tác quản lý tài chính, sử dụng tài sản nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; (5)Quan tâm thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở địa phương, cơ sở.

Về giải pháp thực hiện: (1) Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc: Quán triệt nâng cao nhận thức đầy đủ về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc như: Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; các chương trình, chính sách dân tộc; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới để cán bộ, nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, các chính sách dân tộc; (2)Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực tài chính từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh; đề xuất cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn tỉnh để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong năm 2021 nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;(3) Đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc: Chủ động tiếp thu đầy đủ, vận dụng sáng tạo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới tại cơ sở; triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nhân dân tích cực tham gia để phấn đấu hoàn thành mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Hoàn thành việc rà soát, phân định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III và danh mục các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị tại Kết luận số 65- KL/TW, ngày 30/10/2019; (4) Kiện toàn, nâng cao hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc: Tiếp tục kiện toàn và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện. Ưu tiên củng cố, bổ sung biên chế có chuyên môn cho Ban Dân tộc và Phòng Dân tộc các huyện đảm bảo đủ số lượng, chất lượng để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn mới; (5)Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp.

Đón chào năm mới, cán bộ công chức, người lao động Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tin tưởng rằng với những thành quả đã đạt được trong công tác năm 2020 và sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, đồng hành của các cấp, các ngành trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Công tác dân tộc năm 2021 sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

 

Ma Anh Dũng

Tin cùng chuyên mục